Hai xe máy đối đầu trên cầu Bến Khoảng 19h30, ngày 27/5, trên cầu Bến Thủy nối liền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã xảy ra một vụ tai nạn khá nghiêm trọng, làm hai người bị thương nặng phải đi cấp cứu ở bệnh viện.
Theo nhiều nhân chứng tại hiện trường kể lại. Thời điểm trên, hai chiếc xe máy đi ngược chiều cùng chạy vào làn đường dành cho ô tô trên cầu. Chiếc xe chạy từ phía Hà Tĩnh sang Nghệ An do anh Vi Văn Mạnh (SN 1990), hiện là nhân viên một nhà hàng ở TP Vinh, chở đầy đá lạnh phía sau. Khi hai xe đi đến gần giữa cầu thì bất ngờ tông vào nhau.
Cú va chạm cực mạnh khiến cho hai chủ phương tiện ngã ra xa 5 mét, bị thương nặng được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Nghệ An.
Tại hiện trường, phần đầu của 2 chiếc xe máy bị nát bét, nhiều túi đá viên bị văng tung tóe trên mặt cầu. Địa điểm xảy ra vụ tai nạn nằm trên làn đường dành cho ô tô, nhiều bóng đèn qua khu vực này không còn hoạt động khiến cho các phương tiện lưu thông qua đây gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều người hiếu kỳ đứng xem vụ việc khiến giao thông qua cầu Bến Thủy bị ách tắc hơn nửa tiếng đồng hồ. Lực lượng CSGT TP. Vinh đã có mặt ở hiện trường để điều tiết giao thông và điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Đến hơn 20h giao thông qua cầu Bến Thủy đã trở lại bình thường.
Thêm 20 lao động bị ngược đãi ở Nga về nướcSau hơn 4 tháng sống khổ cực nơi xứ người và gần 1 tháng chờ đợi “giải cứu”, nhờ sự can thiệp kịp thời và tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, các lao động này đã về nước an toàn. Tuy nhiên, do tinh thần không ổn định nên hầu hết các lao động đều mệt mỏi, sụt cân.
Anh Trần Văn Giang (quê Tiên Lữ, Hưng Yên) chưa hoàn hồn: “Bốn tháng ở Nga với tôi là ký ức kinh hoàng. Làm việc quần quật từ ngày này sang ngày khác mà không có ngày nghỉ, dù là ốm đau. Ăn uống kham khổ, bẩn thỉu, cộng với sự đối xử bất công của người chủ Trung Quốc khiến anh em không thể tiếp tục nhịn nhục được nữa”.
Còn anh Lê Trung Kiên (quê Duy Tiên, Hà Nam) cho hay: “Trước khi sang Nga, tôi ký hợp đồng và đặt cọc 20 triệu đồng, đến nay chưa được trả đồng nào. Hợp đồng ghi ngày làm 8 tiếng/ngày, nhưng thực tế làm việc 12 tiếng/ngày, thậm chí có ngày làm tới 14 tiếng mà không có ngày nghỉ”.
Trước sự đình công của người lao động, chủ sử dụng lao động đồng ý cho về với điều kiện phải trả số tiền môi giới. Từ ngày 4 - 15/5, chủ đã cắt khẩu phần ăn, cắt điện nước sinh hoạt. Dưới thời tiết lạnh khắc nghiệt, lao động Việt Nam phải sử dụng nước lạnh để tắm giặt và ăn mì tôm cầm hơi. Khi có sự lên tiếng mạnh mẽ của báo chí trong nước và sự tích cực của Đại sứ quán Việt Nam, người lao động mới được cung cấp lương thực.
Theo tố cáo của các lao động, ông Nguyễn Văn Dũng, người của Công ty Hoa Việt đã đưa lao động sang thành phố Ekaterinbua, tỉnh Sverdlov (Liên bang Nga) làm công nhân may và giày da. Sau đó, công ty đã "bán" các lao động với giá 500 USD/người, rồi rũ bỏ trách nhiệm. Khi người lao động đình công đòi về nước, chủ sử dụng lao động yêu cầu phải trả 1.000 USD mới được cho về.
Trần Mạnh Tuấn (quê ở Tân Cương, Thái Nguyên) cũng cho biết, làm việc 4 tháng không có tiền, ngày ăn khoai tây luộc, tối hành tây xào trứng. Lương khi ký hợp đồng trước khi đi là 500 USD/tháng, nhưng khi sang Nga lương bị cắt một nửa còn 250 USD/tháng và ngày làm ít nhất 12 tiếng. Tiếng là đi xuất khẩu lao động sang Nga, nhưng 4 tháng nay anh chưa biết mặt đồng tiền lương là gì.
Cũng là lao động được Công ty Hoa Việt đưa sang, chị Lê Thị Thúy (quê Bố Trạch, Quảng Bình) làm việc tại xưởng may được một năm nay, nhưng tình cảnh không khác gì các lao động ở xưởng giày da. Trong một tháng qua, chị Thúy liên tục gọi điện cho Báo Thanh Niên để cầu cứu.
“Một năm nay, em và 2 lao động cùng quê chỉ được trả từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, không đủ trả tiền ăn và tiền nhà... Khi thấy các lao động xưởng giày da về nước, chúng em cũng có nguyện vọng xin về thì bị ông Nguyễn Văn Dũng ép đòi phải trả 50 triệu đồng. Tiền ăn còn chẳng đủ, lấy đâu ra tiền chuộc”.
Nhờ người thân ở Việt Nam cầu cứu Bộ Ngoại giao, các lao động mới có ngày đoàn tụ với gia đình.
Cũng theo anh Lê Trung Kiên, muốn được về nước các lao động đều phải viết cam kết, khi về nước không được phép kiện tụng, những người ở lại thì chủ cam kết trả tiền đặt cọc và trả lương. Tuy nhiên, cũng như những lao động đã về nước đợt 1, nhiều người đều muốn cơ quan chức năng xử lý nghiêm những kẻ lừa đảo đưa người ra nước ngoài lao động trái phép.
Trước đó, ngày 13/5, đã có 11 lao động trở về. Tính đến nay, có 31 lao động tại các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương… được “giải cứu” về nước.
Bác sĩ thú y trở thành 'trùm' chất cấmQuyết tâm đưa những “đường dây đen” trong lĩnh vực này ra ánh sáng, chúng tôi chủ động phối hợp với Phòng 4 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an (thường trực phía nam - C49B) tiến hành điều tra.
Đích thân thượng tá Võ Văn Đông, Phó trưởng phòng, cùng 2 trinh sát và PV đã về địa bàn tỉnh Đồng Nai bí mật thu thập thông tin từ các đầu mối tin cậy. Sau 1 tuần “khoanh vùng”, tổ công tác của Phòng 4 “đưa vào tầm ngắm” hơn 10 địa điểm kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và lần lượt kiểm tra, làm rõ.
Từ đầu mối này, tổ công tác lần ra địa chỉ của “ông trùm” chất cấm là Công ty TNHH Oni, trụ sở tại 316/3 hương lộ 80, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM. Doanh nghiệp này do một bác sĩ thú y tên Đặng Văn Hải, 39 tuổi, quê Bình Thuận, làm giám đốc, chuyên sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, thuốc thú y, với 14 mặt hàng bán rộng rãi ở 20 tỉnh thành khu vực phía nam.
Ngày 10/4, Phòng 4 - C49B phối hợp với Chi cục Thú y và Chi cục QLTT TP.HCM tiến hành kiểm tra trụ sở Công ty TNHH Oni. Tại thời điểm kiểm tra, công ty có hơn 10 công nhân đang tất bật với công việc đóng gói các mặt hàng là thức ăn bổ sung cho gia súc. Ngoài 12 tấn nguyên liệu được nhập từ Trung Quốc dùng để pha trộn làm thức ăn cho heo, tổ công tác xác định và niêm phong 7,3 tấn sản phẩm đã thành phẩm, gồm các sản phẩm dùng để tăng trọng, tạo nạc, bung mông, nở vai, siêu tăng trọng, siêu chống còi cho heo…
Đặc biệt, trong những hóa đơn nhập và bán hàng của công ty bị thu giữ, tổ công tác cũng phát hiện nhiều tài liệu thể hiện việc mua chất cấm để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Sau một tháng kiểm nghiệm thận trọng, khách quan, khoa học gồm cả định tính và định lượng đều khẳng định lô hàng thành phẩm 7,3 tấn của Công ty TNHH Oni dương tính với chất cấm (nhóm beta-agonist), C49B đã lập tức phát văn bản đề nghị các cơ quan chuyên môn của 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam (tính từ Quảng Nam trở vào) nhanh chóng phối hợp thu hồi toàn bộ sản phẩm của Công ty TNHH Oni cung cấp.
Ngày 22/5, PC49 - Công an tỉnh Quảng Nam đã phát hiện và tiến hành thu hồi 14 loại sản phẩm của Công ty TNHH Oni đang bán trên nhiều huyện của tỉnh này. Hiện C49B đang tiếp tục lấy lời khai một số người có liên quan, yêu cầu giải trình nguồn nguyên liệu mà công ty này nhập về, số lượng bán ra thị trường... Đặc biệt, cơ quan điều tra cũng đang làm rõ một công ty dược đã bán chất cấm cho Công ty TNHH Oni.
|
|
Trở lại với quy trình chăn nuôi của những kẻ vô lương tâm, PV có trong tay một công nghệ sản xuất chất cấm "siêu nạc và siêu lời" (thường gọi là thần dược hoặc bột ngọt), như sau: Để có 1 tạ “thần dược”, bọn bất lương tập hợp 55 kg bột sò, 20 kg trấu, 300 gram chất cấm, 4 kg CHROM (chất tạo thịt nạc đỏ hồng), hương trái cây và vitamin rồi pha trộn. Tổng cộng số liệu thể hiện trên hóa đơn nhập nguyên liệu đầu vào để sản xuất 1 tạ “thần dược” chưa đến 3 triệu đồng. Thế nhưng, bảng giá giao sỉ cho các đại lý từ 100.000 đến 200.000 đồng/kg, trung bình bọn bất lương thu lời từ 12 đến 15 triệu đồng.
Ngoài sự nguy hiểm của chất cấm đối với sức khỏe người tiêu dùng, theo PGS-TS Võ Văn Sơn, nguyên Phó trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - ĐH Cần Thơ, bột sò là chất can xi, nếu sử dụng quá nhiều làm thức ăn cho heo cũng sẽ gây một số mầm bệnh cho heo. Rõ nhất là khi heo ăn quá nhiều bột sò sẽ bị thừa can xi và thiếu kẽm, thường bị lở loét... Nếu sử dụng bột sò làm thức ăn cho heo đúng tỷ lệ chỉ được trộn 2 kg bột sò cho 1 tạ thức ăn. Còn nếu sử dụng trấu nghiền nhỏ cho heo ăn một thời gian dài sẽ làm loét dạ dày.
Điều đáng nói, trong quá trình phối hợp với cơ quan chức năng, PV cũng phát hiện chất cấm không chỉ được tuồn đến cho người chăn nuôi hám lợi bằng một nguồn duy nhất. Những đại lý nhỏ lẻ thì tự mua chất cấm về pha trộn rồi đóng vào những bao bì không nhãn mác, sau đó đưa đi bỏ mối cho những cửa hàng bán cám và thuốc thú y bán lại cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cũng có thể theo lời đồn tìm mua “bao xanh”, “bao hồng” ở các cửa hàng bán cám về cho heo ăn, bởi vì chất cấm đã được trộn sẵn vào cám (bao xanh cho heo ăn lúc còn nhỏ, bao hồng cho heo tăng tốc để chuẩn bị xuất chuồng).