Cháy nhà nghỉ, khách trọ hoảng loạnTối ngày 28/5, nhà nghỉ Quế Trân trên Quốc lộ 22, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM bốc cháy nghi ngút làm hàng chục khách trọ hoảng loạn.
Lúc này khoảng 19h30, nhiều người nghe tiếng nổ lách tách từ lầu 3 của nhà nghỉ. Vài phút sau lửa bùng phát dữ dội kèm theo khói đen nghi ngút.
Bảo vệ nhà nghỉ cùng một số người dân sống xung quanh nhanh chóng cắt điện, dùng bình CO2 tiến hành dập lửa. Do khu vực lầu 3 chứa nhiều vật liệu dễ cháy như chăn, ga, gối…nên lửa lan nhanh.
Nhận được tin báo, cảnh sát chữa cháy Công an quận 12 (TP HCM) huy động 5 xe cứu hỏa cùng hàng chục chiến sĩ đến hiện trường. Hàng trăm người hiếu kỳ tụ tập xem cháy gây ách tắc giao thông.
Hơn 20 phút sau ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn. Rất may không ai thương vong.
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân hỏa hoạn do cột điện cách nhà nghỉ gần 1m phát cháy tạo ra tia lửa “bắn” vào nhà nghỉ.
Thêm người tử vong vì bệnh viêm da ở Quảng NgãiNgày 28/5, thông tin từ y tế huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi cho biết: Vừa có thêm 1 trường hợp nữa tử vong vì Hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân (người dân hay gọi là bệnh lạ).
Đó là cháu Phạm Văn Thách (9 tuổi), con anh Phạm Văn Thoát, ở thôn Làng Rêu, xã Ba Điền.
Được biết cháu Thách được chuyển vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM từ ngày 20/5. Đây là trường hợp tử vong thứ 3 ở Ba Điền trong vòng chưa đầy 1 tháng nay và là người thứ 22 kể từ khi căn bệnh này xuất hiện tại Ba Tơ vào năm 2011.
Tính đến thời điểm này tại TTYT Ba Tơ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn 47 người bị bệnh lạ đang được điều trị, trong đó có 3 trường hợp rất nặng.
Ngoài tâm điểm Làng Rêu, trong tuần vừa qua tại xã Ba Ngạc có thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người mắc bệnh lạ trong toàn tỉnh lên 212 người.
Vàng phi SJC vẫn chưa biết đi về đâuVới thông tư số 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa được NHNN ban hành ngày 25/5, hàng ngàn tiệm vàng nhỏ lẻ có thêm 6 tháng chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Tuy nhiên, điều mà người dân và doanh nghiệp đang sở hữu vàng miếng phi SJC mong chờ nhất là lộ trình chuyển đổi vàng miếng phi SJC ra sao, cách thức chuyển đổi thế nào, thì không thấy NHNN đề cập. Trong khi đó, từ cuối năm ngoái, khi NHNN tuyên bố vàng SJC sẽ trở thành thương hiệu độc quyền, đến nay giá vàng miếng phi SJC ngày càng giãn cách lớn so với vàng SJC về giá.
Ngay trong ngày 25/5, khi Nghị định 24 về quản lý vàng có hiệu lực, tuy là vàng ròng nhưng giá vàng SJC đã bỏ xa các loại vàng miếng khác cao nhất tới hơn 1 triệu đồng một lượng. Sau khi Thông tư 16 được ban hành, trong hai ngày cuối tuần và đến sáng 28/5, vàng phi SJC vẫn bị mua vào rẻ hơn vàng SJC đến hơn 1 triệu đồng. Cụ thế, vàng SJC được Công ty SJC niêm yết sáng 28/8 là 41,56 – 41,68 triệu đồng (mua – bán), trong khi các nhãn vàng SJC chỉ được mua vào quanh mốc 40,35 – 40.45 triệu đồng, rẻ hơn 1,1 triệu đồng so với giá thu mua vàng SJC.
Thực tế, tình trạng ép giá các loại vàng miếng thương hiệu khác SJC từng xuất hiện từ cuối năm 2011, nay được các tiệm vàng công khai. Theo chủ tiệm vàng trên phố Phùng Hưng (Hà Nội) thì: “SJC đã là hiệu vàng quốc gia, các thương hiệu khác cũng chỉ là vàng nguyên chất như vàng bốn số chín thôi, mua vào đâu có bán ra được, nên thu vào theo giá vàng 9999 – tức thấp hơn vàng SJC tới 2 triệu đồng một lượng”.
Vì vậy, ngoại trừ vàng PNJ có hệ thống đại lý trên toàn quốc mua vào đúng giá niêm yết, còn lại gần như tất cả người tiêu dùng đang giữ vàng khác thương hiệu SJC đều phải chịu thiệt khi mang bán vàng miếng họ đang giữ. Còn doanh nghiệp kinh doanh vàng chớp thời cơ “có một không hai” này để gom vàng miếng phi SJC kiếm lời.
Theo nhận định của một chuyên gia trong giới kinh doanh vàng thì chỉ người dân “trót” mua vàng phi SJC trước đó bị oan uổng khi phải bán giá thấp, còn những doanh nghiệp thu mua vàng khác SJC sẽ thu lời, vì “vàng nào chả là vàng” sau khi vàng phi SJC được đưa vào nung chảy, gia công, đúc thành những thỏi vàng, có thể sau đó lại hóa thành vàng SJC.
Trước đó, NHN đã từng có thông điệp rằng tất cả các loại vàng miếng khác đều được mua bán bình thường sau khi Nghị định 24 ra đời, thậm chí có tuyên bố Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân, cũng như đã có bật mí về cách thức chuyển đổi vàng miếng là vàng phi SJC nếu đảm bảo chất lượng sẽ chỉ phải tính thêm phí gia công không đáng kể. Tuy nhiên, người dân khi cần kíp hoặc do tâm lý lo sợ vàng phi SJC sẽ càng ngày càng mất giá nên phải bán vàng khác SJC giá thấp, thì sau này coi như bỗng nhiên thua thiệt. Ngược lại, những doanh nghiệp gom vàng phi SJC thời điểm giá rẻ, sẽ thu lãi lớn.
Như vậy, những doanh nghiệp sản xuất vàng miếng thương hiệu “phi SJC” cũng như những người đang kinh doanh loại vàng này mong muốn Thông tư 16 sẽ “đoái hoài” đến quyền lợi của họ, nhưng thực tế thì không.